Vietnam Real Estate
Đang tải dữ liệu...

Tổng kết thi hành Luật Nhà ở và Kinh doanh BĐS khu vực phía Bắc

  23/05/2013 03:43:04 PM 

Ngày 23 tháng 5 năm 2013 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội, đề xuất xây dựng Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản(sửa đổi).

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Xây dựng – đơn vị được giao chủ trì xây dựng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có Ông Trịnh Đình Dũng - Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Ông Nguyễn Trần Nam –Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản; Đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về nhà ở và thị trường bất động sản; cùng lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng. Về phía khách mời có sự tham dự của đại diện các Bộ, Ngành; lãnh đạo các Sở Xây dựng từ khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra; đại diện các Hiệp hội; chuyên gia một số tổ chức; đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và một số cơ quan khác có liên quan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở năm 2005 và Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2006 là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở và hoạt động kinh doanh bất động sản, có nhiều vấn đề lần đầu tiên được đưa vào hai đạo luật này để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện như: cơ chế phát triển nhà ở thương mại để bán, cho thuê; cơ chế phát triển và quản lý nhà ở xã hội; việc quản lý sử dụng nhà chung cư; cơ chế phát triển và quản lý nhà ở công vụ; hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; các giao dịch về BĐS; các hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, đặc biệt, vấn đề sở hữu BĐS của các các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Theo báo cáo tóm tắt do Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Hà trình bày tại hội nghị thì sau 8 năm triển khai thi hành Luật Nhà ở, 7 năm thi hành Luật Kinh doanh bất động sản và 5 năm thi hành chính sách nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam ngoài những kết quả đạt được trong công tác quản lý, kinh doanh, phát triển nhà thì cũng tồn tại những bất cập cần phải tiến hành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Theo đó, đối với Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến sẽ bỏ các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đồng thời sẽ bổ sung các quy định có liên quan đến việc công nhận quyền sở hữu nhà ở, quy định về quyền sở hữu nhà ở riêng lẻ, quyền sở hữu nhà chung cư; Về phát triển nhà ở, đề nghị bổ sung quy định yêu cầu UBND các tỉnh phải lập Kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm, 5 năm cũng như dài hạn; Về tài chính cho phát triển nhà ở, dự kiến đưa thành một chương riêng trong Luật Nhà ở sửa đổi; Về nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Bộ Xây dựng đề nghị gộp nội dung của Luật số 34/2009/QH12 và Nghị quyết số 19/2008/QH12 vào Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại hội nghị có đại diện các Sở Xây dựng; Hiệp hội; cùng chuyên gia các ngành đã trình bày tham luận liên quan đến việc sửa đổi một số điều trong hai bộ Luật nêu trên.

Sau khi nghe các báo cáo tham luận được trình bày, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng việc ban hành mới Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải quyết mối quan hệ hài hòa lợi ích giữa Nhà nước-doanh nghiệp-người dân.