|
Công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Việt Nam quý I năm 2020 | |
19/05/2020 01:53:01 PM
| | Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 34/63 UBND các địa phương có thực hiện báo cáo, Bộ Xây dựng công bố thông tin nhà ở và thị trường bất động sản Quý I/2020 cụ thể như sau: Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực như: sản xuất, kinh doanh, giáo dục, y tế, du lịch... Tại Việt Nam, tuy Chính phủ và các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Có thể nói, về tổng thể, dịch bệnh đã tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, đến nay thị trường bất động sản chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn diện mà chỉ mới có sự ảnh hưởng, tác động tới một số phân khúc và yếu tố của thị trường. Các nội dung liên quan đến thông tin thị trường bất động sản Quý I/2020 gồm:
1. Một số chính sách pháp luật mới ban hành có tác động đến thị trường bất động sản - Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 trong đó có giao nhiệm vụ cho các Bộ, Ngành, địa phương đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đó có lĩnh vực bất động sản; - Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong đó có quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh kinh doanh bất động sản; - Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020 trong đó có giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội nêu tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong đó có một số nhiệm vụ liên quan tới lĩnh vực thị trường bất động sản cụ thể là: + Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét, ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp; phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân; + Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. 2. Số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản đang triển khai; Số lượng nhà ở hoàn thành Theo tổng hợp từ 34/63 UBND có báo cáo số liệu, trong quý I/2020: - Đối với dự án phát triển nhà ở: có 56 dự án với 20.536 căn hộ được cấp phép; 997 dự án với 233.313 căn hộ đang triển khai xây dựng; 55 dự án với 18.061 căn hộ hoàn thành. - Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng: có 5 dự án với 4.512 căn hộ du lịch và 476 biệt thự du lịch được cấp phép; 48 dự án với 18.549 căn hộ du lịch và 3.359 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng. Qua tổng hợp cho thấy, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn đang tiếp tục triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các dự án đang dở dang và triển khai các dự án được cấp phép mới. Tuy nhiên, tiến độ và khối lượng công việc thực hiện bị ảnh hưởng lớn do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, giãn cách xã hội. 3. Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng Theo tổng hợp từ 34/63 UBND có báo cáo số liệu, trong quý I/2020 có 13.042 giao dịch bất động sản thành công. Riêng tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, trong quý I/2020: Tại Hà Nội có 1.167 giao dịch thành công (bằng 38% quý IV/2019), tại Tp. Hồ Chí Minh có 2.816 giao dịch thành công (bằng 55% quý IV/2019). Qua tổng hợp cho thấy lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường, thấp nhất trong vòng 04 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến thời điểm tháng 4/2020, các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đều ngừng hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu. 4. Nguồn cung nhà ở, bao gồm số lượng chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền Theo tổng hợp từ 34/63 UBND có báo cáo số liệu, trong quý I/2020 có 71 dự án với 25.734 căn hộ được Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Riêng tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, theo tổng hợp của Sở Xây dựng: Tại Hà Nội có 15 dự án, với tổng số 9.414 căn nhà; trong đó có 8.878 căn hộ chung cư (bằng 420% cùng kỳ 2019; bằng 197% quý IV/2019); 536 căn nhà thấp tầng (bằng 83% cùng kỳ 2019; bằng 99% quý IV/2019); Tại thành phố Hồ Chí Minh có 10 dự án, với tổng số 2.816 căn nhà; trong đó có 2.736 căn hộ chung cư (bằng 81% cùng kỳ 2019; bằng 58% quý IV/2019); 80 căn nhà thấp tầng (bằng 33% cùng kỳ 2019; bằng 18% quý IV/2019). Qua thống kê cho thấy, nguồn cung nhà ở Quý I/2020 hạn chế, nhiều địa phương trên cả nước có xu hướng nguồn cung nhà ở giảm so với quý trước và cùng kỳ năm 2019 (riêng tại Hà Nội, trong quý I/2020 số lượng nhà ở chung cư hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán tăng cao so với kỳ trước và cùng kỳ 2019 là do có lượng lớn sản phẩm từ các đại dự án của Vinhomes được công bố đủ điều kiện bán). Trong dài hạn, thì nguồn cung về nhà ở có xu hướng suy giảm. 5. Biến động chỉ số giá nhà ở và một số loại bất động sản tại một số đô thị lớn Qua thống kê cho thấy, giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Số liệu về biến động chỉ số giá đối với nhà ở cụ thể như sau: + Tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,21%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,57%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,51%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019; + Tại Tp. Hồ Chí Minh giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,50% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019. - Đối với bất động sản công nghiệp thì giá vẫn tăng trung bình 6,2%, giá bất động sản du lịch vẫn không thay đổi so với năm 2019; Giá văn phòng cho thuê trong 3 tháng đầu năm 2020 chưa ghi nhận có điều chỉnh giảm nhiều; Đối với thị trường mặt bằng bán lẻ do ảnh hưởng dịch bệnh, khó khăn trong kinh doanh, nhiều mặt bằng bị trả lại hoặc các bên có sự đàm phán, điều chỉnh giảm khoảng 10-30% so với giá thuê trước đây. 6. Số lượng các dự án bất động sản, bao gồm số lượng nhà ở, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú do cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng đã thẩm định Số lượng bất động sản được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định trong quý I/2020 cụ thể như sau: Nhà ở: 7.264 căn (bằng 85% Quý IV/2019); Căn hộ du lịch: 1.666 căn; Biệt thự du lịch: 0 căn (tương đương Quý IV/2019); Văn phòng kết hợp lưu trú (officetel): 0 căn (tương đương Quý IV/2019). 7. Số lượng các dự án bất động sản, bao gồm số lượng nhà ở, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú do cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng đã kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng Trong quý I/2020, có 32 dự án (bằng 58% Quý IV/2019) được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng với số lượng căn hộ cụ thể như sau: Nhà ở: 17.896 căn (bằng 60% Quý IV/2019); Căn hộ du lịch: 2.451 căn (bằng 9% Quý IV/2019); Biệt thự du lịch: 0 căn (tương đương Quý IV/2019); Văn phòng kết hợp lưu trú (officetel): 0 căn (Quý IV/2019 là 2.882 căn). 8. Tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tính đến 31/12/2019 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 521.822 tỷ đồng, tăng 12,82% so với năm 2018. Tính đến tháng 2/2020, dư nợ tín dụng bất động sản là hơn 531.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng có xu hướng giảm (năm 2018 tăng 6%, năm 2019 chỉ tăng 4%, quý I/2020 tăng 1,76%). Tỷ trọng dư nợ bất động sản đối với toàn ngành cũng giảm (năm 2018 chiếm 6,93%, năm 2019 chỉ chiếm 6,37%, quý I/2020 chiếm 6,47%). Theo số liệu thống kê, bình quân dư nợ tín dụng trong 5 năm gần đây khoảng 7,3% (trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế). Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ tín dụng trong bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019. Cơ cấu dư nợ bất động sản cũng có thay đổi theo từng giai đoạn: cho vay đầu tư các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà chiếm tỷ lệ 39%; các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê chiếm tỷ lệ 9%; các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm tỷ lệ 4%; các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng chiếm tỷ lệ 4%; các dự án nhà hàng, khách sạn chiếm tỷ lệ 9%; cho vay mua quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ 8%; cho bất động sản khác chiếm 28%. 9. Một số nội dung khác - Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản: Đối với nguồn vốn FDI thì trong nhiều năm trở lại, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo). Trong quý I/2020, nguồn vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm mạnh, chỉ có 264 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, đứng vị trí thứ 4 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI (năm 2019 vốn đăng ký là 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng nguồn vốn FDI, đứng vị trí thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI). - Về hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản: Do ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp bất động sản chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động, làm việc trực tiếp (còn lại làm việc trực tuyến tại nhà, một phần phải cho nghỉ); tại một số dự án đang triển khai xây dựng hầu như chưa khởi động lại hoặc phải tạm dừng hoạt động, gần như toàn bộ công nhân, lao động phải tạm nghỉ. - Về hoạt động của sàn giao dịch bất động sản: Trong 3 tháng đầu năm 2020 có khoảng 80% số lượng sàn đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp. Tính đến nay, cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động cầm chừng, hầu hết các sàn chỉ duy trì bộ phận gián tiếp điều hành làm việc luân phiên trong thời gian phòng tránh dịch, phần lớn các nhân viên môi giới đều tạm ngừng làm việc, chuyển sang công việc khác theo thời vụ. Ngoài ra, khi Chính phủ, các địa phương thực hiện cách ly xã hội, yêu cầu giãn cách trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều chủ đầu tư và các sàn giao dịch không thực hiện mở bán sản phẩm được. Để khắc phục khó khăn trong giao dịch, một số Sàn giao dịch bất động sản như: Sàn giao dịch Vingroup, Cen group cũng đang nghiên cứu phát triển thêm hình thức giao dịch trực tuyến, nhưng chủ yếu vẫn chỉ là đăng thông tin, giới thiệu về dự án trong trang mạng riêng của doanh nghiệp (sàn thương mại điện tử bất động sản). Trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy hiện nay thị trường bất động sản chưa có biểu hiện của khủng hoảng trầm lắng, “đóng băng” hay phát triển nóng.
|
|
|
|