Vietnam Real Estate
Đang tải dữ liệu...

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Thị trường bất động sản sẽ được quản lý bằng cả 2 bàn tay

  27/10/2014 03:55:13 PM 

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, 2 dự luật liên quan đến bất động sản sau khi được ban hành sẽ giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn.

* Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá 2 dự luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản sau khi được ban hành sẽ có tác động như thế nào đến thị trường?

Hướng xây dựng 2 luật này rất rõ ràng là phải phát triển thị trường bất động sản cần theo quy hoạch và kế hoạch. Trước đây, thị trường phát triển không theo quy hoạch, nên dẫn đến dư thừa, lãng phí. Các luật này yêu cầu sự phát triển phải theo quy hoạch và kế hoạch, nâng cao quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, thực hiện cả bàn tay hữu hình và vô hình để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Trước đây, nhà đầu tư cứ có đất là làm dự án, không theo quy hoạch. Nay đầu tư dự án phải theo quy hoạch, sau đó là theo kế hoạch. Có quy hoạch, kế hoạch để chỉ rõ 10, 20, 30 năm tới làm gì. Có như vậy mới tránh được quy hoạch treo, cân đối nguồn lực bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng.

Về Luật Nhà ở, Nhà nước sẽ có sự hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội với mục tiêu có nhà ở cho người dân, cụ thể hóa Hiến pháp về quyền có chỗ ở, nhằm giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, nâng cao chất lương cuộc sống cho dân.

Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản tạo hành lang pháp lý để huy động các nguồn lực phát triển bất động sản, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo lợi ích của người dân và Nhà nước.

* Về cân bằng cung cầu trên thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng có dự báo thế nào, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, việc phát triển nhà ở và thị trường bất động sản phải theo quy hoạch và có kế hoạch. Trách nhiệm của Chính phủ và các địa phương là lập quy hoạch và kế hoạch dựa trên cơ sở cân đối nhu cầu và tiêu dùng của người dân. Việc dự báo cần dựa trên cơ sở thống kê, trên cơ sở đánh giá của mỗi địa phương.

Hiện nay, việc thực thi các chính sách ở địa phương còn nhiều vướng mắc, nhất là việc xây dựng nhà ở, nhiều chính sách bị tắc. Bộ sẽ xây dựng những văn bản hướng dẫn như thế nào để đảm bảo tư tưởng của Luật đi vào cuộc sống, thưa Bộ trưởng?

Nói chung, Luật sẽ tạo ra hành lang pháp lý, tạo chế tài bắt buộc phải thực hiện. Nếu ai sai thì sẽ xử lý.

* Có ý kiến cho rằng, chính sách tạo điều kiện xây nhà cho công nhân thuê không hiệu quả như mong đợi, Bộ trưởng nghĩ sao?

Bây giờ chúng ta mới bắt đầu thực hiện, không thể đòi hỏi có kết quả như mong muốn ngay. Để Luật đi vào cuộc sống phải mất thời gian, phải có độ trễ chính sách. Nghị định 188 đã ban hành và chúng ta đang triển khai. Bây giờ có Luật Nhà ở thì hiệu lực sẽ cao hơn, cụ thể hơn. Sau khi Luật ban hành, các nghị định, văn bản hướng dẫn cũng sẽ được ban hành để địa phương áp dụng.

* Theo ông, khi đưa chính sách này triển khai ở địa phương, sẽ gặp áp lực gì?

Tất nhiên là có áp lực, bởi đây là việc khó, việc mới mà chúng ta phải làm. Hiện nay, nhiều người dân cũng đã làm nhà cho công nhân thuê, nhưng chưa đủ chuẩn, chất lượng. Vì vậy, rất cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định mức giá thuê. Tất cả vấn đề đó sẽ được cụ thể bằng những nghị định, thông tư.